Tin Tức
>
Phát triển trong tương lai của AI và Robot đối với trẻ mầm non: Một nghiên cứu điển hình tại các bệnh viện Hàn Quốc và ứng dụng tiềm năng tại Việt Nam
Phát triển trong tương lai của AI và Robot đối với trẻ mầm non: Một nghiên cứu điển hình tại các bệnh viện Hàn Quốc và ứng dụng tiềm năng tại Việt Nam
Một trong những báo cáo được trình bày ở Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong Giáo dục mầm non” tại Hà Nội ngày 16/8/2024 là bài nghiên cứu về ứng dụng AI và Robot đối với trẻ mầm non tại các bệnh viện Hàn Quốc.
Giáo dục sức khỏe là nền tảng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc giáo dục sức khỏe cho trẻ mầm non tại nhiều nơi vẫn còn nhiều hạn chế. Hầu hết các chương trình giáo dục mầm non hiện nay đều tập trung vào các kỹ năng nhận thức, xã hội, và ít chú trọng đến việc hình thành thói quen sống khỏe cho trẻ.
1. Tầm quan trọng trong việc giáo dục sức khỏe cho trẻ mầm non
Cho đến nay, giáo dục sức khỏe chủ yếu tập trung vào môi trường bệnh viện, chỉ tập trung vào đối tượng bệnh nhân. Tuy nhiên, trẻ em, đặc biệt là những em đang điều trị, thường không được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe của mình. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như: khó khăn trong việc tuân thủ phác đồ điều trị, lo lắng, sợ hãi, và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, việc quản lý an toàn và vệ sinh tại các cơ sở giáo dục và gia đình cũng còn nhiều bất cập. Trẻ em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ sức khỏe.
Giáo dục sức khỏe cho trẻ mầm non hiện nay không chỉ đơn thuần là dạy trẻ cách rửa tay hay ăn uống điều độ. Đó là việc trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ sức khỏe, hình thành lối sống lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ. Một đứa trẻ khỏe mạnh về thể chất và tinh thần sẽ là mầm non cho một xã hội phát triển bền vững.
Kết hợp từ những thiếu sót và những phát triển tiên tiến trong công nghệ trí tuệ nhân tạo, AI và Robot đã mở ra một hướng đi mới cho giáo dục sức khỏe. Bằng cách tận dụng khả năng phân tích dữ liệu và tương tác thông minh, các công nghệ này có thể cung cấp cho trẻ em những trải nghiệm học tập cá nhân hóa, giúp trẻ hiểu rõ về cơ thể mình và hình thành những thói quen sống lành mạnh. Việc kết hợp giữa giáo dục truyền thống và công nghệ hiện đại sẽ giúp nâng cao hiệu quả của quá trình giáo dục sức khỏe cho trẻ em.
2. AI đã góp phần nâng cao nhận thức của trẻ mầm non về sức khỏe như thế nào
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của trẻ em, giáo dục sức khỏe cần được cá nhân hóa. Mỗi trẻ em đều có những đặc điểm riêng biệt, những sở thích khác nhau và tốc độ phát triển không giống nhau. Công nghệ AI, với khả năng phân tích dữ liệu và học máy, có thể cung cấp những giải pháp giáo dục cá nhân hóa hiệu quả. Bằng cách tạo ra các chương trình học tập tương tác, hấp dẫn và phù hợp với từng trẻ, AI giúp trẻ em hiểu rõ về sức khỏe của mình, hình thành những thói quen sống lành mạnh và chủ động chăm sóc bản thân. Ví dụ, một trẻ em thích động vật có thể được học về dinh dưỡng thông qua các trò chơi liên quan đến các loài động vật khác nhau, trong khi một trẻ khác thích khám phá có thể được tham gia vào các chuyến phiêu lưu khám phá cơ thể người.
Tạo ra các trò chơi giáo dục: Các trò chơi tương tác được thiết kế bởi AI giúp trẻ học về các nhóm thực phẩm, tầm quan trọng của việc vận động, cách vệ sinh cá nhân một cách vui nhộn và hiệu quả. Ví dụ, trẻ có thể tham gia vào các trò chơi như "Xây dựng một bữa ăn lành mạnh" hoặc "Cuộc phiêu lưu khám phá cơ thể".
Tạo ra các nhân vật hoạt hình: Các nhân vật hoạt hình thông minh được tạo ra bởi AI có thể trở thành những người bạn đồng hành đáng tin cậy của trẻ, giúp trẻ hiểu rõ hơn về các khái niệm về sức khỏe.
Cung cấp các bài học cá nhân hóa: AI có thể phân tích dữ liệu về sở thích, khả năng và tiến độ học tập của từng trẻ để tạo ra các bài học phù hợp. Ví dụ, nếu một trẻ thích động vật, AI có thể tạo ra một bài học về dinh dưỡng thông qua các hình ảnh và câu chuyện về các loài động vật khác nhau.
Theo dõi và đánh giá tiến độ: AI có thể theo dõi tiến độ học tập của trẻ và cung cấp cho giáo viên và phụ huynh những báo cáo chi tiết về sự phát triển của trẻ. Nhờ đó, giáo viên có thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy và phụ huynh có thể hỗ trợ con em mình một cách hiệu quả hơn.
Phản hồi tức thì: AI có thể cung cấp phản hồi ngay lập tức về những hành động của trẻ, giúp trẻ tự đánh giá và điều chỉnh hành vi của mình.
Dữ liệu lớn: AI có khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu, từ đó đưa ra những phân tích chi tiết về tình hình sức khỏe của trẻ, giúp giáo viên và phụ huynh có cái nhìn tổng quan và đưa ra những quyết định phù hợp.
3. Nghiên cứu điển hình: Sự kết hợp giữa AI và Robot trong việc giáo dục sức khỏe cho trẻ
Đứng trước nỗi lo lắng về vấn đề: “Làm sao để trẻ hiểu rõ tầm quan trọng của sức khỏe cá nhân”, trung tâm Y tế Samsung đã tạo Social Robot - Robot tương tác xã hội. Nghiên cứu này là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm ứng dụng robot xã hội trong môi trường bệnh viện. Để đánh giá tính khả thi và hiệu quả của phương pháp này, chúng tôi đặt ra các câu hỏi nghiên cứu sau:
An toàn: Việc sử dụng robot xã hội trong bệnh viện có đảm bảo an toàn cho trẻ em và nhân viên y tế không?
Tương tác: Robot xã hội có khả năng tương tác hiệu quả với trẻ em ở các độ tuổi khác nhau không?
Nội dung: Nội dung tương tác nào phù hợp nhất để đáp ứng nhu cầu của trẻ em và hỗ trợ quá trình điều trị?
Phản hồi: Trẻ em sẽ phản ứng như thế nào trước sự xuất hiện và tương tác với robot xã hội?"
Một nghiên cứu năm 2021 đã tiên phong trong việc khám phá tiềm năng của robot tương tác xã hội trong việc hỗ trợ tâm lý cho tám bệnh nhân ung thư nhi và bảy người chăm sóc, nội dung nghiên cứu bao gồm các cuộc phỏng vấn chuyên sâu đánh giá khả năng sử dụng, trải nghiệm tương tác của họ với robot xã hội.
Kết quả nghiên cứu đã thật sự xúc động. Việc tương tác với robot xã hội đã mang đến niềm vui và hy vọng cho những bệnh nhi ung thư. Những đứa trẻ vốn phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống đã tìm thấy niềm vui trong những cuộc trò chuyện với robot. Thời gian phản hồi nhanh chóng của robot càng làm tăng thêm sự gần gũi và thân thiết, khiến các em cảm thấy mình không đơn độc. Nghiên cứu này chứng minh rằng công nghệ, khi được ứng dụng một cách nhân văn, có thể mang đến những thay đổi tích cực trong cuộc sống của con người.
Để giúp trẻ em hiểu rõ hơn về bệnh tật và quá trình điều trị, nhóm nghiên cứu đã phát triển 24 bài học đa dạng tích hợp vào robot tương tác xã hội. Nội dung không chỉ bao gồm kiến thức về các bệnh như ung thư nhi, bạch cầu mà còn cung cấp những các bài tập chánh niệm giúp trẻ em thư giãn, giảm căng thẳng và có một cái nhìn tích cực hơn về bệnh tình của chính mình, về cuộc sống.
Qua việc theo dõi tương tác giữa trẻ em và robot xã hội trong thời gian dài, chúng tôi nhận thấy một sự thay đổi đáng kể trong hành vi của trẻ. Ban đầu, trẻ em tỏ ra tò mò và khám phá. Tuy nhiên, khi thời gian tương tác tăng lên, trẻ em đã hình thành những mối liên kết sâu sắc với robot, thể hiện qua việc giao tiếp trực tiếp, chăm sóc và quan tâm đến robot như một người bạn. Điều này cho thấy robot xã hội không chỉ là một công cụ giải trí mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển về mặt xã hội và cảm xúc của trẻ, đặc biệt trong môi trường bệnh viện.
Kết luận:
Robot xã hội và công nghệ AI có thể đóng vai trò quan trọng trong giáo dục chăm sóc sức khỏe. Các nghiên cứu thí điểm cho thấy tương tác với robot xã hội tác động tích cực đến sự ổn định cảm xúc của trẻ em và cung cấp nền giáo dục phù hợp với trình độ phát triển của trẻ. Các nhà nghiên cứu cũng đã có kết luận ban đầu nhận rằng giáo dục cá nhân hóa có hiệu quả làm tăng sự hiểu biết và sự tham gia của trẻ em. Những phát hiện này cho thấy robot xã hội có thể được áp dụng hữu ích trong nhiều bối cảnh giáo dục khác nhau, không chỉ trong môi trường bệnh viện.
Công nghệ AI sẽ giúp tạo ra những bài học sức khỏe sinh động và tương tác, không những giúp trẻ em ở Hàn Quốc mà còn là các nước khác trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Trẻ em sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức và hình thành thói quen sống lành mạnh.
Nguồn: Chích Chòe